Home Our Family Contact Our story Contact

Thursday, May 14, 2009

Nghề Nghiệp Người Mẹ


Nghề Nghiệp Người Mẹ magnify
“Đừng lo lắng nếu bạn không thể cho con của bạn tất cả những gì bạn mơ ước cho chúng... Hãy cho chúng phần tốt nhất của chính bạn.”

Đã có khi nào bạn viết trong lý lịch gia đình, nghề nghiệp của mẹ : "Nội trợ"?
Tôi thì rất nhiều, hầu như lúc nào cũng vậy. Nhiều khi viết vậy mà tự hỏi " Nghề nội trợ là gì?" Vì sau có khi nào con mình cũng hỏi " Mẹ ơi, mẹ làm gì? Nội trợ là làm gì?"

Chỉ đến khi sắp được làm Mẹ, mà người thân và bạn bè thường hay trêu đùa là "Bà mẹ trẻ em", tôi mới thực sự tìm hiểu và thấm thía "Nghề nghiệp" này. Và tôi hạnh phúc vì mình may mắn sắp có được một công việc mới, "Làm Mẹ"

Xin chia sẻ câu chuyện dưới đây với các bạn, đặc biệt là cho những người phụ nữ đang, đã và sẽ có được điều kỳ diệu nhất của cuộc sống.

NGHỀ NGHIỆP LÀM MẸ
Ngày kia, một phụ nữ tên Anna, đi gia hạn bằng lái xe. Khi được hỏi làm nghề gì, chị ngập ngừng giây lát. Chị không biết phải khai như thế nào. Người nhân viên Nhà nước nói rõ thêm: “Tôi muốn hỏi là chị có công ăn việc làm hay không?”
“Dĩ nhiên là tôi có việc làm chứ!”, Anna trả lời. “Tôi là mẹ mà.”
“Xin lỗi chị! Nhưng chúng tôi không coi đó là nghề nghiệp, tôi đề nội trợ vậy”, người nhân viên nói một cách lạnh lùng.

Một người bạn của Anna, là Marta, biết được câu chuyện và để tâm suy nghĩ về vấn đề này. Một hôm, Marta cũng rơi vào tình huống tương tự. Trước mặt chị là một cô nhân viên Nhà nước rất tự tin, lanh lợi và đầy kinh nghiệm. Marta thấy mẫu đơn có rất nhiều câu hỏi và có vẻ dài vô tận.
Câu hỏi đầu tiên như sau : “Công việc của chị là gì?”
Marta suy nghĩ một lát và trả lời một cách hết sức tự nhiên: "Tôi là tiến sĩ về phát triển thiếu nhi và quan hệ nhân bản.”
Cô nhân viên tỏ vẻ sững sờ và kinh ngạc, Marta liền lập lại câu trả lời rõ ràng từng tiếng một.
Sau khi ghi chép xong, cô nhân viên trẻ mới dám hỏi chị: "Vậy chị có thể cho biết chính xác công việc của chị là gì không ạ?”
Không chút do dự, Marta giải thích một cách kiên quyết và điềm tĩnh : “Tôi triển khai một luận án, một chương trình dài hạn, trong nội vi và ngoại vi của mái ấm gia đình.”
Nghĩ đến gia đình mình, chị nói tiếp:
“Tôi đứng đầu một ê-kíp và phải chịu trách nhiệm về bốn dự án khác nhau. Tôi làm việc toàn thời gian, giờ giấc không giới hạn và không được làm cho nơi khác. Mức độ công việc đòi hỏi 14 tiếng một ngày, có khi còn phải làm 24 tiếng trên 24 nữa.”
Khi Marta càng mô tả công việc của mình thì chị nhận thấy cô nhân viên càng tỏ ra kính nể chị và vẫn tiếp tục điền vào mẫu đơn.
Khi về đến nhà, Marta được ê-kíp của mình ra tiếp đón: ba em gái 13, 7 và 3 tuổi.
Khi lên lầu, chị nghe thấy dự án mới nhất của chị, một em bé kháu khỉnh sáu tháng tuổi, đang mải mê bí bô hòa những âm điệu mới.
Ngập tràn hạnh phúc, Marta bế con vào lòng và nghĩ đến vẻ đẹp và sự cao quý của thiên chức làm mẹ, cùng vô số trách nhiệm kèm theo và những ngày giờ vô tận dành trọn cho con cái...
Mẹ ơi, giầy của con đâu? Mẹ ơi, giúp con làm bài nhé? Mẹ ơi, em bé khóc hoài à. Mẹ ơi, đến trường đón con nhé? Mẹ ơi, đưa con đi học vũ ba-lê nhé? Mẹ ơi, mua cho con...? Mẹ ơi...?”
Ngồi xuống mép giường, Marta nghĩ tiếp: “Nếu mình là tiến sĩ về phát triển thiếu nhi và quan hệ nhân bản, thì bà nội bà ngoại sẽ có chức danh gì nhỉ ?”
Những bà cố là tiến sĩ viện trưởng.
Những cô, dì, là tiến sĩ phụ tá.
Và tất cả những phụ nữ là mẹ, vợ, bạn, là tiến sĩ chuyên ngành trong nghệ thuật tô điểm cuộc đời.

Trong một thế giới coi trọng chức danh và bằng cấp, ngày càng đòi hỏi phải có chuyên ngành trong một lãnh vực nghề nghiệp,
Làm mẹ hay Nội trợ chính là những chuyên viên trong nghệ thuật yêu thương!

Nói vậy không có nghĩa là "Làm Mẹ" là bạn phải từ bỏ nghề nghiệp yêu thích hiện tại trong xã hội, mà là sự kết hợp hài hòa.
Đam mê của tôi là "Tư vấn" , và sau câu chuyện này, tôi có thể mường tượng ra rằng, con tôi tự hào chia sẻ với bạn bè " Mẹ tớ là tiến sĩ về phát triển thiếu nhi và quan hệ nhân bản, và Mẹ tớ còn là Tư vấn viên độc quyền, chỉ của riêng gia đình tớ thôi”
...Hoặc ít ra tôi đã có sẵn câu trả lời cho mình, khi con hỏi " Mẹ ơi, mẹ làm gì?"

Tuesday, May 12, 2009

Tránh mất ngủ khi mang thai

Thông thường khi mới mang thai bạn ngủ nhiều hơn nhưng khi em bé ngày càng lớn thì bạn lại mệt mỏi và mất ngủ.

Tại sao bạn khó ngủ khi mang thai?

Lý do chính gây mất ngủ là sự phát triển của bào thai khiến bạn khó tìm ra một tư thế ngủ phù hợp. Nếu bạn có thói quen nằm ngửa khi ngủ thì nay phải đổi tư thế khiến bạn chưa kịp thích nghi. Ngoài ra còn thể có các nguyên nhân sau.

• Do tăng lượng Urê:
Thận của bạn phải làm việc thêm 30% - 50% trong suốt quá trình mang bầu kết quả là lượng urê tăng vọt. Hơn nữa dạ con ngày một lớn và chèn ép lên bàng quang khiến bạn khó chịu và phải đi tiểu khá thường xuyên. Khi con bạn càng năng động thì càng phá bĩnh giấc ngủ của bạn.

Nhịp tim tăng: Nhịp tim của bạn sẽ tăng để bơm máu nhiều hơn tới dạ con. Tim bạn phải làm việc mệt nhọc hơn bình thường rất nhiều.

Khó thở: Giai đoạn đầu do tác động của hormone trong quá trình mang bầu làm hơi thở bạn chậm và sâu làm bạn có cảm giác là hít thở rất khó khăn. Càng về sau càng khó thở hơn khi dạ con chiếm chỗ và ép lên cơ hoành).

Đau nhức chân và lưng: Lưng và chân bạn ngày càng phải chịu đựng sức nặng của em bé. Mặt khác cơ thể tiết ra chất leraxin để chuẩn bị cho quá trình sinh con nhưng cũng làm cho bạn khó chịu.

• Ợ hơi và táo bón: Nhiều phụ nữ bị ợ hơi khi dạ dày bị bào thai dồn lên phía trên. Thức ăn bị giữ lại trong dạ dày lâu hơn gây ra táo bón.

Ác mộng: Nhiều phụ nữ bị ác mộng trong suốt quá trình mang thai. Stress cũng là một nguyên nhân phổ biến. Khi mang thai bạn thường phải lo lắng nhiều hơn.

Chọn tư thế ngủ phù hợp

Nằm nghiêng và chân hơi cong là tư thế tốt nhất trong suốt quá trình mang thai.Tư thế này giúp tim làm việc nhẹ nhàng hơn khi trọng lượng của bé không đè lên các mạch chính truyền máu từ tim tới chân và ngược lại.

Các bác sĩ khuyên bạn nên nằm nhiều hơn ở bên trái vì vị trí của gan nằm ở bên phải. Mặt khác cũng giúp máu lưu thông tới dạ con, thận tốt hơn.

Ban đầu có thể bạn sẽ trở mình và thay đổi tư thế ngủ nhưng càng về sau bạn sẽ không bị đổi vì đó là tư thể dễ chịu nhất. Nếu nằm ngửa bạn sẽ bị thức giấc vì trọng lượng của bé đè lên mạch chủ. Bạn có thể dùng một chiếc gối để cố định tư thế của mình.

Một vài mẹo để ngủ ngon hơn

• Không uống trà, cà fê, chất kích thích, sôđa hoặc chỉ uống chúng vào buổi sáng.

• Không ăn no trước khi đi ngủ, ăn làm nhiều bữa nhỏ .

• Tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ.

• Tránh tập luyện nhiều trước khi đi ngủ mà chỉ nên thư giãn nhẹ nhàng 15 phút trước khi ngủ như tắm nước nóng, đi dạo, uống một ly sữa…

• Nếu bị tê chân sưng phù thì hãy bổ sung đủ canxi và massage chân thường xuyên.

• Thực hiện một số tư thế yoga hay các bài tập thư giãn sau một ngày mệt nhọc.

• Nếu bạn quá lo lắng về mang thai và sinh con thì hãy tham gia một lớp học làm mẹ hay thu thập thêm kiến thức để thấy an tâm hơn.

Làm gì khi vẫn không ngủ được?

Thay vì trở mình, lo lắng chuyện mất ngủ, hay đếm cả ngàn con cừu thì hãy đọc sách, nghe nhạc, xem tivi, làm một số việc bạn thích hay dựng ông chồng yêu quí của bạn dậy trò chuyện (không nên lạm dụng nhé)... Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mệt và buồn ngủ hơn.

Thursday, May 7, 2009

Tiểu Sử Thánh Giêrađô



THÁNH GIÊRAĐÔ (1726 - 1755)
Tu sĩ
ngày 16 tháng 10

Thánh Giê-ra-đô sinh năm 1726 ở Muro, một thị trấn nhỏ miền nam nước Ý. Ngài diễm phúc có bà mẹ Benedetta đạo đức. Bà dạy con về tình yêu vô biên của Thiên Chúa và quả thật con bà hạnh phúc vì thấy mình gần gũi Thiên Chúa.

Cha mất năm 12 tuổi, Giê-ra-đô trở thành lao động chính trong nhà. Ngài học việc với một hiệu may trong thị trấn, và chẳng tránh được chuyện bị đàn anh đập đánh. Sau 4 năm học việc, ngay khi thành nghề, Giê-ra-đô bảo

rằng mình sẽ là tôi tớ phục vụ cho Đức Giám Mục giáo phận Lacedonia của ngài. Bạn hữu can ngăn, vì đức cha thường xuyên giận dữ quát mắng vô cớ khiến đầy tớ không ai chịu nổi hơn vài tuần. Không đến nổi nào đối với Giê-ra-đô. Ngài làm đủ mọi việc, và làm cho đến khi đức cha qua đời: 3 năm ! Giê-ra-đô làm bất cứ việc gì, chỉ cần tin rằng đó là ý Chúa. Bị giám mục hay thợ cả đánh đập la mắng, dù đúng sai thế nào ngài vẫn chấp nhận, vì ngài thấy chịu đau khổ như thế là bắt chước Đức Ki-tô. Ngài nói: “Chúa muốn điều tốt cho tôi”, rồi ngài đến quỳ trước Thánh Thể lâu giờ, trước bí tích Chúa Giê-su chịu nạn và phục sinh.

Năm 1745, 19 tuổi, ngài trở về Muro mở hiệu may của mình. Công việc làm ăn phát đạt nhưng chủ tiệm không có lắm tiền vì hay làm phúc. Ngài để riêng số tiền cần thiết cho mẹ và các em, còn lại thì cho người nghèo hoặc xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. Cuộc sống cứ thế trôi đi, không có chuyển biến gì ngoại trừ lòng mến của Giê-ra-đô ngày một tăng tiến vững chắc hơn. Mùa chay 1747, ngài dốc quyết trở nên giống Chúa Ki-tô hết sức có thể. Ngài thực hành khổ chế nhiệm nhặt và tìm sự khiêm hạ thật sự: giả vờ điên và lấy làm vui khi bị thiên hạ cười nhạo trên đường phố.

Muốn hoàn toàn phục vụ Chúa, ngài đi theo các thầy dòng Capuchin nhưng các thầy không nhận. Ở tuổi 21, ngài cố gắng sống như một nhà tu khổ hạnh. Ngài muốn nên giống Chúa Ki-tô đến độ chụp ngay lấy một vai chính trong hoạt cảnh Thương Khó thật sống động trình diễn tại Vương Cung thánh đường Muro.

Với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế

Vào năm 1749, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đến Muro. Có 15 vị thừa sai và họ cuốn hút 3 xứ đạo của thị trấn nhỏ này. Giê-ra-đô theo sát công việc của các cha các thầy và xác quyết đây đúng là cuộc sống của ngài. Ngài muốn theo đoàn nhưng cha bề trên Cafaro không nhận vì lý do sức khỏe. Giê-ra-đô nài nỉ họ đến nỗi khi sắp rời thị trấn, cha Cafaro phải đề nghị gia đình khóa cửa nhốt chàng lại trong phòng.

Một việc xảy ra gây xúc động nhiều thanh niên sau này: Giê-ra-đô buộc khăn trải giường lại, thòng xuống, trèo qua cửa sổ đi theo các thừa sai. Phải đi vội vả 12 dặm ngài mới bắt kịp họ. Giê-ra-đô nói: “Cho con đi với, cho con thử đi, nếu con không tốt thì hãy trả con về”. Cha Cafaro không thể làm gì hơn trước tình cảnh như thế, ngài cho Giê-ra-đô một “cơ hội”. Cha gởi Giê-ra-đô đến cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế ở Deliceto, trong thư giới thiệu, ngài viết: “Con gởi đến cho các cha một người mà theo con chẳng làm được việc gì ...”

Giê-ra-đô cảm thấy hoàn toàn yêu thích lối sống mà thánh An-phong, đấng sáng lập dòng đã vạch ra. Ngài bị thôi thúc khám phá tình yêu của Chúa Giê-su Thánh Thể, và ngài cũng mến yêu Mẹ Maria không kém.

Ngày 16.7.1752, Giê-ra-đô khấn lần đầu vào dịp lễ Chúa Cứu Thế, hôm ấy lại trùng với lễ Đức Mẹ Ca-mê-lô. Sự trùng hợp này khiến ngài thích thú. Từ đó, ngoại trừ hai lần đến Naples và thời gian ở Caposele nơi ngài qua đời, hầu như cả cuộc đời tu sĩ của thánh Giê-ra-đô là phục vụ ở cộng đoàn Iliceto.

Câu “chẳng làm được việc gì” của cha Cafaro chừng như không đúng nữa. Giê-ra-đô làm việc rất siêng năng, những năm sau đó ngài làm đủ thứ việc: làm vườn, ông từ nhà nguyện, thợ may, khuân vác, đầu bếp, thợ mộc, đốc công coi việc xây dựng nhà ở Caposele. Giê-ra-đô học hỏi rất nhanh, đi thăm xưởng chạm khắc gỗ chẳng bao lâu, ngài trở nên một tay khắc tượng chịu nạn nhà nghề. Ngài là kho báu của cộng đoàn, nhưng ngài chỉ có một khát vọng: làm theo ý Chúa trong mọi sự.

Năm 1754, khi cha linh hướng yêu cầu thầy Giê-ra-đô viết điều thầy mong ước hơn hết, thầy viết: “Yêu Chúa nhiều, luôn hiệp nhất với Chúa, làm mọi sự vì Chúa, yêu mọi sự vì Chúa, chịu nhiều đau khổ vì Chúa, công việc duy nhất của con là làm theo ý Chúa”

Thử thách lớn

Sự thánh thiện thật sự luôn luôn phải được trắc nghiệm bằng thập giá. Vào năm 1754, thánh Giê-ra-đô đã phải trải qua một thử thách lớn khiến ngài đáng được ơn đặc biệt để giúp đỡ các bà mẹ và trẻ em. Có một thời công việc mà ngài nhiệt tình làm là khuyến khích và giúp đỡ các cô gái muốn đi tu. Thường thì ngài giúp số tiền hồi môn cần thiết để những cô gái nhà nghèo được nhận vào tu viện.

Neria Caggiano là một trong những cô gái như thế. Nhưng rồi cô chán tu, ở tu viện được 3 tuần thì cô về nhà. Để giải thích cho hành động của mình, Neria bắt đầu rêu rao những chuyện sai sự thật về đời sống các nữ tu. Khi những người tốt ở Muro không tin những chuyện như thế lại xảy ra trong một tu viện mà Giê-ra-đô giới thiệu, cô quyết định cứu lấy tiếng tốt của mình bằng cách làm mất thanh danh ân nhân của cô. Cô gởi một lá thư cho thánh An-phong, bề trên của Giê-ra-đô, tố cáo rằng thời gian vừa qua thầy Giê-ra-đô đã lỗi đức khiết tịnh với một cô gái nhỏ trong gia đình mà ngài thường đến trọ khi đi làm việc.

Thầy Giê-ra-đô bị thánh An-phong gọi lên để trả lời. Thay vì chống đỡ, thầy im lặng theo gương Thầy Chí Thánh. Trước sự im lặng này, thánh An-phong không quyết định được gì ngoài việc bắt thầy phải chịu một hình phạt sám hối nghiêm khắc: không được rước lễ, không được liên hệ với bên ngoài.

Đối với thánh Giê-ra-đô, thật chẳng dễ gì lấy công việc nặng nhọc phần xác mà đổi được việc đọc kinh cầu nguyện phần hồn, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ so với chuyện bị tước mất Thánh Thể. Ngài cảm thấy mất mát đến độ xin đừng cho ngài giúp lễ nữa, kẻo ước muốn được rước Chúa khiến ngài cướp mất Mình Thánh Chúa trên tay cha chủ tế.

Một thời gian sau, cô Neria lâm bệnh nguy kịch, cô viết một bức thư cho thánh An-phong thú nhận tội vu khống của mình. Thánh An-phong lòng tràn ngập mừng vui vì con cái mình vô tội. Nhưng Giê-ra-đô đã chẳng ngã lòng trong cơn thử thách thì nay cũng chẳng lấy làm phấn chấn lắm khi được chứng minh là vô tội. Trong cả hai giai đoạn, ngài cảm thấy ý Chúa được vẹn tròn, đối với ngài như thế là đủ.

Người làm phép lạ

Ít vị thánh có quá nhiều sự kiện lạ lùng được ghi nhận như thánh Giê-ra-đô. Qua tiến trình xin phong chân phúc và hiển thánh cho ngài, người ta thấy các phép lạ ngài làm quả thực muôn màu muôn vẻ và vô cùng phong phú.

Thánh Giê-ra-đô thường rơi vào trạng thái ngất trí khi cầu nguyện hay khi ước muốn thiết tha kết hợp với Chúa. Trong những lúc như thế, cả người ngài được nhắc lên khỏi mặt đất. Có những ghi nhận đáng tin cậy chứng minh rằng hơn một lần ngài có mặt và trò chuyện ở hai nơi khác nhau cùng một lúc.

Những phép lạ nổi tiếng nhất của ngài là những phép lạ giúp đỡ người khác. Khi đọc hạnh thánh Giê-ra-đô, những việc lạ lùng cứ theo nhau xảy ra khiến người ta dần dần cảm thấy như đó là chuyện bình thường. Ngài cứu sống một cậu bé rơi từ vách đá cao, chúc lành cho phần lúa mì ít ỏi của một gia đình nghèo khiến nó cứ còn mãi không vơi cho đến mùa gặt, đi trên mặt nước để đưa một chiếc thuyền đánh cá vượt qua cơn bão an toàn vào bờ. Nhiều lần ngài làm cho bánh hóa nhiều để phân phát cho người nghèo. Có khi ngài nhắc người ta về những tội kín đáo của họ khiến họ phải ngượng ngùng thú nhận, rồi ngài giúp họ hoán cải để được ơn tha thứ.

Việc ngài nâng đỡ các bà mẹ đã bắt đầu rồi, ngay khi ngài còn sống. Một lần nọ, khi từ giã gia đình người bạn là Pirofalo, cô con gái trong nhà chạy theo đưa cho ngài chiếc khăn ngài bỏ quên. Lúc ấy Giê-ra-đô nói tiên tri: “Cứ giữ nó đi, một ngày nào đó cháu sẽ cần nó”. Cái khăn ấy được giữ như một vật kỷ niệm quý giá. Sau này, cô gái ấy có nguy cơ chết khi sinh con. Cô nhớ lại lời thánh Giê-ra-đô và nhờ người mang lại cho cô tấm khăn ấy. Hầu như ngay lập tức cơn nguy hiểm qua đi và cô sinh con khỏe mạnh. Trong một trường hợp sinh khó khác, bà mẹ xin mọi người đọc kinh kính thánh Giê-ra-đô thì cả hai mẹ con an toàn qua cơn nguy hiểm.

Chết và vinh quang

Với thể chất yếu ớt, rõ ràng thánh Giê-ra-đô không thể sống thọ. Năm 1755, xuất huyết trầm trọng và bệnh lỵ đã bắt lấy ngài. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng ngài vẫn còn nợ anh em một bài học quan trọng về sức mạnh của đức vâng phục. Bề trên ra lệnh cho ngài phải khỏe lại, nếu đó là ý Chúa. Lập tức bệnh của ngài dường như biến mất, ngài rời khỏi giường và lại tiếp tục công việc bình thường với anh em. Tuy nhiên, ngài biết sự chữa lành này chỉ là nhất thời và ngài chỉ còn sống được hơn một tháng nữa thôi.

Chẳng bao lâu ngài lại trở về giường bệnh và bắt đầu chuẩn bị cho cái chết của mình. Ngài không còn nhận ra ý Thiên Chúa chút nào nữa, những giòng chữ này được ghi trên cửa: “Tại đây ý Thiên Chúa được thi hành, khi Người muốn và như Người muốn”. Thường thì ngài muốn nghe đọc lời nguyện này: “Lạy Chúa, con muốn chết để làm theo thánh ý Chúa”. Trước nửa đêm 15.10.1755 một chút, linh hồn trong trắng của thánh Giê-ra-đô về với Thiên Chúa.

Lúc thánh Giê-ra-đô qua đời, thầy coi nhà nguyện, theo sự sôi nổi của mình đã đánh chuông lễ thay vì chuông báo tử. Hàng ngàn người đến viếng “ông thánh của họ” và cố gắng tìm một chút kỷ vật của người đã thường giúp đỡ họ. Sau cái chết của thánh Giê-ra-đô, trên khắp nước Ý, người ta bắt đầu thuật lại các phép lạ ngài đã làm. Năm 1893, Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII phong Chân Phúc cho ngài. Ngày 11.12.1904. Đức Giáo Hoàng Pi-ô X đặt ngài lên hàng hiển thánh.

Vị thánh của các bà mẹ

Nhờ sự cầu bầu của thánh Giê-ra-đô, Thiên Chúa đã thực hiện nhiều việc lạ lùng cho các bà mẹ nên các bà mẹ ở Ý rất yêu mến ngài và nhận ngài làm đấng bảo trợ. Trong tiến trình phong chân phúc cho ngài, một nhân chứng đã xác quyết rằng ngài được mệnh danh là “il santo dei felice parti” tức là vị thánh giúp mẹ tròn con vuông. Lòng sùng kính này rất phổ biến ở Bắc Mỹ, cả Hoa Kỳ lẫn Canada.

Hàng ngàn bà mẹ được ơn nhờ sự cầu bầu của thánh Giê-ra-đô qua sinh hoạt Liên Minh Thánh Giê-ra-đô. Nhiều bệnh viện đặt khoa sản dưới sự bảo trợ của ngài, trao cho bệnh nhân huy hiệu và kinh cầu nguyện với thánh nhân. Hàng ngàn đứa trẻ được cha mẹ đặt tên theo thánh Giê-ra-đô vì tin rằng nhờ ngài mà con cái họ chào đời mạnh khỏe. Không phải chỉ có bé trai mới được đặt tên theo ngài, cả các bé gái cũng thế. Thật thú vị khi chúng ta nghe gọi những tên như Gerarda, Geralyn, Gerardine, Geriane, Gerardette.